Môi trường làm việc có ảnh hưởng lớn đến năng suất người lao động, khi môi trường làm việc được cải thiện thì năng suất lao động tăng lên, đồng nghĩa với việc cải thiện môi trường tỷ lệ thuận với cải tiến năng suất.
Đề án “Đào tạo nhân lực tư vấn kỹ thuật, cải tiến sản xuất và môi trường làm việc nhằm tăng năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp ngành Dệt – Nhuộm – May khu vực miền Trung và Bắc Trung Bộ năm 2022” (gọi tắt là Đề án) có sự tham gia của các học viên là các chủ doanh nghiệp, cán bộ giữ vị trí quan trọng trong doanh nghiệp.
Nhận diện lãng phí
Cải tiến môi trường làm việc, sản xuất đang là một khó khăn của nhiều doanh nghiệp Dệt may quy mô vừa và nhỏ ở các tỉnh miền Trung, trong đó có khu vực Bắc Trung Bộ.
Đề án thuộc Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ năm 2022 của Bộ Công thương. Theo Ban Chủ nhiệm Đề án, thời gian qua, Nhà nước cũng đã có định hướng ưu đãi cho các doanh nghiệp hỗ trợ. Tuy nhiên, những ưu đãi này chưa rõ ràng và ở hình thức cào bằng. Đối tượng được hưởng nhiều ưu đãi nhất lại không phải là doanh nghiệp trong nước mà chiếm tới 70% là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Trong năm 2020, khi dịch Covid-19 bùng phát và tác động tiêu cực đến ngành Dệt may, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cùng với Liên đoàn Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp hội Da giày và Túi xách Việt Nam, Tổng LĐLĐ Việt Nam ký Tuyên bố chung gửi Chính phủ Việt Nam, chính phủ các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU), các đối tác, các nhãn hàng EU có hành động cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động để nhanh chóng ổn định sản xuất, tạo thu nhập bảo tồn lực lượng lao động.
Đề án tập trung đào tạo chuyên sâu về quản lý sản xuất, cách nhận diện lãng phí nhanh và chuyên nghiệp hơn bằng cách áp dụng được một số công cụ quản lý theo phương pháp Lean manufacture trong sản xuất, nhận diện các loại lãng phí, phân tích các lỗi sản phẩm, lỗi quá trình, công nhân được tham gia sâu trong cải tiến, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm lao động gián tiếp bằng các công cụ quản lý chất lượng và đào tạo các kiến thức chuyên ngành như Sợi – Dệt – Nhuộm – May…
Nhân sự tham gia Đề án là các chuyên gia nhiều kinh nghiệm về 5S3D, Pro-3M, phương pháp Lean trong quản lý sản xuất; có năng lực nhận diện được các loại lãng phí từ thực tế doanh nghiệp, có kiến thức và năng lực vận dụng được 7 công cụ quản lý chất lượng, nâng cao nhận thức và kỹ năng xử lý sự cố kỹ thuật, cải thiện môi trường làm việc cho các doanh nghiệp.
Từ đó hỗ trợ các doanh nghiệp duy trì, cải tiến liên tục, không ngừng thúc đẩy hiệu quả, nâng cao sự thỏa mãn khách hàng, tạo điều kiện tìm kiếm các nhà sản xuất quốc tế và nội địa có giá trị cao, đóng góp nhiều hơn cho ngân sách và tạo ra nhiều việc làm cho người lao động, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng các doanh nghiệp dệt may.
Các doanh nghiệp tham gia Đề án phải đáp ứng tiêu chí: là doanh nghiệp vừa và nhỏ muốn cải tiến với một số điều kiện cần: Có số lao động ≥ 20 người; Doanh thu ≥ 4 tỷ đồng/năm; Thâm niên hoạt động ≥ 3 năm; Công nghệ sản xuất thuộc ngành Dệt may, khách hàng đang phục vụ: Các nhà sản xuất trong nước và nước ngoài.
Mong muốn cải tiến môi trường làm việc
Để thực hiện Đề án, Đoàn chuyên gia đã khảo sát một số doanh nghiệp tại tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An. Theo TS. Phạm Thị Hồng Phượng – Thư ký Đề án, doanh nghiệp mong muốn cải tiến nhưng điều kiện chưa cho phép và cũng chưa biết tiếp cận cải tiến từ đâu, làm thế nào để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và tạo môi trường làm việc an toàn, thân thiện cho người lao động.
Chuyên gia tư vấn về cải tiến Bùi Thụy Uyên Vy chia sẻ: “Tại nhiều doanh nghiệp, thiết kế nhà xưởng chưa đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người lao động. Đơn cử như máng điện quá cao, bị lệch (đúng vị trí phải là trên vai công nhân); các lối đi lại chưa thông thoáng, còn nhiều vật cản. Thao tác của người lao động chưa được chuẩn hóa, chưa có công cụ, trang thiết bị hỗ trợ việc sắp xếp và di chuyển hàng hóa dẫn đến người lao động phải làm thủ công. Các thiết bị sắc nhọn chưa có thiết kế bảo vệ. Trang bị phòng, chống cháy nổ chưa đúng quy định. Đèn và cửa thoát hiểm chưa đầy đủ. Các thiết bị khi không có người vận hành không được ngắt nguồn điện và tắt máy dẫn đến lãng phí năng lượng và nguy cơ mất an toàn. Rác thải và và vệ sinh công nghiệp chưa được xử lý một cách hợp lý. Doanh nghiệp chưa thiết kế quy trình công đoạn cho sản phẩm dẫn đến mất cân bằng chuyền. Viêc bảo trì, bảo dưỡng máy chưa hiệu quả. Việc bố trí các khu vực công đoạn bị ngắt quãng, đương đi chưa hợp lý dẫn đến ùn tắc và lãng phí di chuyển, thao tác của công nhân. Đồng thời chưa dán nhãn, hướng dẫn vận hành máy, sắp xếp trang thiết bị gọn gang. Đội ngũ quản lý cấp trung chưa được đào tạo về quản lý nhân lực cũng như kiến thức về cải tiến. Người lao động chưa nhận thức về các chương trình cải tiến hướng đến môi trường làm việc thân thiện”.
Tham gia Đề án này, chị Lê Thị Hiền – Giám đốc Công ty TNHH May mặc Thủy Hiền (huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa) chia sẻ: “Chúng tôi nhận thấy phải cải tiến về kỹ thuật để nâng cao chất lượng sản phẩm, nhất là khi chưa có điều kiện mua sắm móc hiện đại. Công nhân đang tạo ra sản phẩm nhưng rất hạn chế. Tâm lý người lao động còn chưa tâm huyết với nghề, chỉ mong muốn làm sao mức lương cao nhất. Tham gia Đề án, tôi được các chuyên gia gợi mở về các nội dung cải tiến như sắp xếp các hệ thống, các khâu trong quy trình sản xuất hợp lý, quy trình từng bộ phận, giảm thời gian “chết”. Môi trường làm việc chưa đủ ánh sáng làm giao thoa của mắt chưa tốt, làm cho công nhân mệt mỏi”.
Theo: Báo Lao Động Công Đoàn.