Ngành dệt may Việt Nam đang đứng trước bước ngoặt quan trọng. Ngành cần nâng cao năng suất lao động, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững, áp dụng các thực hành xanh và thúc đẩy chuyển đổi số. Để thúc đẩy quá trình chuyển đổi này, khắc phục những thách thức về cấu trúc trong chuỗi giá trị, nâng cao trình độ và kỹ năng cho lực lượng lao động là những yếu tố then chốt.
Đáp ứng những nhu cầu trên, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) đã phối hợp xây dựng hai báo cáo quan trọng với sự tham gia của đối tác ba bên của ILO, và các bên liên quan trong ngành dệt may tại Việt Nam. Được xây dựng theo phương pháp Kỹ năng Thúc đẩy Thương mại và Đa dạng hóa Kinh tế (STED) của ILO, báo cáo cung cấp những phân tích toàn diện và cơ sở đầu vào quan trọng để hướng tới xây dựng chiến lược kỹ năng ngành, góp phần đáp ứng các yêu cầu thay đổi của ngành dệt may Việt Nam.
Báo cáo thứ nhất “Kỹ năng Thúc đẩy Thương mại và Đa dạng hóa Kinh tế: Phân tích ngành dệt may tại Việt Nam”, nêu bật những thành tựu, thách thức, cơ hội và triển vọng của ngành trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Báo cáo cũng xem xét phát triển kỹ năng, những hạn chế và cơ hội để nâng cao kỹ năng cho lực lượng lao động phù hợp với tầm nhìn của ngàng, đồng thời, cung cấp đầu vào quan trọng để xây dựng báo cáo thứ hai.
Báo cáo tiếp theo “Hướng tới chiến lược kỹ năng cho ngành dệt may Việt Nam: Nhu cầu kỹ năng ưu tiên, hành động và khuyến nghị đối với hệ thống giáo dục và đào tạo”, dựa trên những phân tích trong báo cáo thứ nhất, đưa ra các khuyến nghị cụ thể và mang tính hành động nhằm cải thiện hệ thống giáo dục, đào tạo và phát triển kỹ năng phù hợp với chiến lược phát triển và tầm nhìn của ngành, đồng thời giải quyết những thách thức hệ thống trong chuỗi cung ứng. Báo cáo cũng xác định các ưu tiên phát triển kỹ năng trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, nhấn mạnh tầm quan trọng của sự phối hợp và tham gia của các bên liên quan trong ngành. Ngoài ra, báo cáo cũng làm nổi bật sự cần thiết phải cập nhật các chương trình đào tạo theo nhu cầu của ngành, tăng cường mối quan hệ đối tác giữa các cơ sở giáo dục, đào tạo và doanh nghiệp, và đảm bảo rằng các chính sách hỗ trợ đào tạo bao trùm, và đáp ứng giới.
Bản tóm tắt của ILO về “Hướng tới chiến lược kỹ năng cho ngành dệt may Việt Nam: Phân tích ngành, nhu cầu kỹ năng ưu tiên, hành động, và khuyến nghị” tóm lược những phát hiện và khuyến nghị chính của hai báo cáo trên.
Ông Trương Văn Cẩm, Tổng Thư ký kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS), bày tỏ sự trân trọng đối với hoạt động hợp tác và hỗ trợ kỹ thuật của ILO, cùng những đóng góp của các bên liên quan trong ngành thông qua Tổ tham vấn kỹ thuật ba bên trong quá trình xây dựng báo cáo. Ông nhấn mạnh: “Việc thành lập Nhóm công tác về tăng cường hợp tác giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo trong ngành dệt may, do VITAS chủ trì vào tháng 12 năm 2024, là một bước tiến quan trọng. Chúng tôi sẽ từng bước triển khai các khuyến nghị cụ thể nhằm đáp ứng nhu cầu chung, đồng thời thúc đẩy sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa doanh nghiệp, các cơ sở giáo dục và đào tạo.”
Dự ánTương lai Việc làm Ngành Dệt May: Dự báo và Phát triển Kỹ năng tại Việt Nam để Thúc đẩy Việc làm Thỏa đáng và Nâng cao Năng suất Ngành do Chính Phủ Nhật Bản và Hà Lan tài trợ, được ILO triển khai nhằm hỗ trợ các đối tác ngành tại Việt Nam dự báo và giải quyết nhu cầu kỹ năng trong tương lai. Thông qua xây dựng các báo cáo quan trọng này, ILO mong muốn đồng hành cùng các đối tác xây dựng và hướng tới tương lai ngành dệt may cạnh tranh, bền vững, lấy con người làm trung tâm của sự phát triển trong bối cảnh biến động toàn cầu và tiến bộ công nghệ.









Nguồn: vietnamtextile